[align=justify]
Hàng loạt bí mật về Apple bị lộ trong vụ kiện với Samsung. Nếu còn sống, chắc chắn cố TGĐ Apple không thể mê nổi những gì đang diễn ra tại phiên xử vụ kiện giữa Apple và Samsung.

Jobs rõ ràng là một trong những thế lực lớn đứng sau quyết định kiện Samsung vi phạm bản quyền của Apple. Ông từng nổi tiếng vì ý muốn “phá hủy” Google và các đối tác sản xuất (bao gồm cả Samsung) vì “sao chép trắng trợn” sản phẩm của Apple.

Tuy nhiên, với những diễn biến và bí mật bị tiết lộ trong phiên tòa gần đây, như việc các nguyên mẫu ban đầu cho iPhone và iPad bị công khai cho cả thế giới nhòm ngó, có lẽ Jobs nếu sống lại cũng phải quyết định lại mọi chuyện. Lần lượt những thứ Jobs xem là tối quan trọng khi làm việc tại Apple: bí mật và sự thần kì trong quá trình thiết kế đã bị bóc tách.

Trong cuốn tiểu sử “Steve Jobs” của tác giả Walter Isaacson, cố TGĐ Apple mô tả quá trình thiết kế của Apple như một chuỗi những chọn lọc để đưa một sản phẩm từ tốt, tới tuyệt vời và đạt tới mức thần bí. Để làm rõ quan điểm của mình, Jobs nêu ví dụ về bài hát “Strawberry Fields Forever” của “tứ quái” The Beatles: “Đó là một bài hát phức tạp, và thật thú vị khi được theo dõi quá trình sáng tạo không ngừng của nhóm trong vài tháng. Họ luôn xem xét mọi thứ để đạt gần tới sự hoàn hảo. Cách chúng tôi xây dựng mọi thứ tại Apple cũng vậy... Chúng tôi bắt đầu với một phiên bản, và sau đó chọn lọc, làm rõ chi tiết thiết kế, hay những nút bấm, hay hoạt động của một chức năng. Nó đòi hỏi nhiều công sức, song cuối cùng mọi thứ tốt hơn, và phản ứng mọi người sẽ là: “Ồ, họ đã làm thế nào? Những con ốc vít đâu rồi?””.

Cuộc chiến tại tòa đang diễn ra đã phần nào trả lời cho câu hỏi Jobs không hề muốn giải đáp: Apple làm thế nào?

Giờ đây, chúng ta dễ dàng theo dõi mọi bước đi của iPhone – từ những ngày đầu là một chiếc iPod với các con số trên bánh xe cho tới sản phẩm hoàn thiện ra mắt năm 2007. Chúng ta có thể thấy những sai sót mà Apple đã phạm phải, như cân nhắc dùng phiên bản thiết bị quá dài và mỏng. Hay kinh khủng hơn, chúng ta biết được Apple sẽ từ bỏ những điểm nào, lựa chọn nói “không” với những kế hoạch ví dụ như tạo ra iPhone từ 2 mảnh kính cong vì chi phí quá cao.

Cũng như vậy, các nguyên mẫu sớm nhất của iPad cho thấy thiết bị siêu dày, khác hoàn toàn so với chiếc iPad “sexy” được giới thiệu năm 2010.

Thực tế, xem xét tới quá trình thai nghén và hình thành sản phẩm không khiến người dùng ít ưa thích iPhone, iPad đi. Nếu có gì đọng lại, có thể đó sẽ là ấn tượng trước việc các nhà thiết kế của Apple phải ra những quyết định khó khăn như thế nào để làm ra sản phẩm cuối cùng.

Bật mí bí mật tiếp thị của Apple

“iPad đã xuất hiện vào đúng ngày sinh nhật của con."
Cứ như thể Chúa trời và Steve Jobs cùng tới và nói, “Chúng ta yêu con, Phil”. Câu thoại này không tới từ quảng cáo của Apple, mà là từ một tập trong bộ phim nổi tiếng Modern Family của ABC năm 2010. Trong bộ phim này, Phil Dunphy là “fanboy” thực sự của Apple, và cậu bé đã cá rằng iPad sẽ được ra mắt vào ngày sinh nhật của mình rồi mơ mộng về iPad suốt bộ phim.

Quay trở lại năm 2010, khi iPad thế hệ đầu lên kệ Apple Stores, có vẻ độ "hot" của thiết bị là do “hữu xạ tự nhiên hương”. Tuy nhiên, theo những gì tiết lộ trong vụ kiện, làn sóng truyền thông đã đóng vai trò trực tiếp trong chiến lược tiếp thị của Apple, công ty không phụ thuộc vào quảng cáo và ngồi yên để truyền thông tự làm việc của mình. Phil Schiller – Phó chủ tịch phụ trách Marketing toàn cầu của Apple làm chứng tại tòa, xác nhận chiến lược marketing “không tiếp thị” của Apple, lấy ví dụ về iPhone năm 2007. Apple đã quyết định không trả một đồng quảng cáo nào trong một thời gian sau khi thiết bị được giới thiệu tháng 1/2007 và bán ra cuối năm đó. “Chúng tôi không cần làm điều đó”. Ông đọc vài đánh giá ca ngợi về iPhone, iPad, giải thích chính những câu chuyện kiểu này tốt hơn nhiều so với quảng cáo để thu hút sự chú ý.

Tất nhiên, cuối cùng Apple cũng phải chi tiền để quảng bá iPhone. Schiller tiết lộ Apple đã trả 97,5 triệu USD để quảng cáo iPhone riêng tại Mỹ năm 2008. Tuy nhiên, con số này còn thấp hơn nhiều so với các đối thủ như Microsoft và đạt hiệu quả cao hơn chỉ nhờ việc tạo ra những khoảng trống thông tin xung quanh sản phẩm và để các phương tiện truyền thông tự lấp đầy nó. Điểm cốt lõi là Apple vẫn phải sáng tạo ra những sản phẩm thực sự tốt.

Một hướng tiếp cận quan trọng khác chính là để các ngôi sao Holywood sử dụng thiết bị của hãng. “Một trong những nhân viên Apple cộng tác chặt chẽ với Hollywood về thứ gọi là “sự xuất hiện của sản phẩm” để thiết bị được xuất hiện trong các bộ phim điện ảnh hay chương trình truyền hình”.

Hướng tiếp cận xoay quanh tin đồn không phải lúc nào cũng phát huy tác dụng, và thậm chí còn hình thành “hiệu ứng Osborne”. Bản thân Apple phải hứng chịu điều này khi có kết quả kinh doanh quý II/2012 đáng thất vọng và hãng đổ lỗi cho sự háo hức chờ đợi iPhone 5 sắp ra mắt. Apple cũng sử dụng lí lẽ tương tự để biện minh khi không đạt mức kì vọng của các nhà đầu tư hồi tháng 10/2011, khi mọi người và giới truyền thông đều mong ngóng iPhone 5, và đáp lại chỉ có iPhone 4S với một chút nâng cấp.

Bài học cho Apple là nếu muốn cho truyền thông nhúng một tay vào quảng bá sản phẩm, hãng nên mang tới sản phẩm thực sự đổi mới.

Dù sao, việc chiêu bài marketing và quá trình thiết kế tối mật tại Apple lần lượt bị tiết lộ chắc chắn không phải là điều Steve Jobs mong muốn khi phát động cuộc chiến “hạt nhân” với Android, mà ở đây là vụ kiện Apple – Samsung.
[/align]
Nguồn: ICTNEW