Một trong các bộ phận kỹ thuật hấp dẫn nhất của Samsung Galaxy S IV có lẽ là chip Exynos 5 Octa. Đây là vi xử lý tám lõi đầu tiên trong các thiết bị di động. Rõ ràng điều này thu hút rất lớn đối với người dung, bởi vì ngay cả những chiếc PC hay Laptop hiện nay cũng không có nhiều mẫu sử dụng chip tám lõi. Vậy thì cụ thể chip Exynos 5 Octa hoạt động như thế nào, và nó đem lại hiệu quả gì cho người dùng?

Trước hết, Samsung không nói sai khi chip Exynos 5 Octa thực sự có 8 lõi vật lý riêng biệt, tuy nhiên chúng có kích thước khác nhau và tốc độ xử lý cũng khác nhau. Và thực chất Exynos 5 Octa là hai bộ vi xử lý lõi tứ ghép lại.

Đây là kiến trúc chung của các chip Octa (8 lõi) sử dụng kiến trúc của ARM có tên "Big.LITTLE". Kiến trúc này bố trí vi xử lý theo từng cặp, một chip lớn hơn và tốc độ nhanh hơn kết hợp với một chip tốc độ thấp hơn nhưng tiết kiệm năng lượng hơn. Với Exynos 5 Octa thì là sự kết hợp của các lõi xử lý Cortex-A7 và các lõi Cortex-A15.
Trong đó, Cortex-A15 có cấu hình cao để xử lý các ứng dụng nặng. Cortex-A15 thuộc cùng một loại chipset được sử dụng trong chip A6 của iPhone 5. Trong phiên bản Galaxy S IV quốc tế, lõi xử lý này có tốc độ 1.6GHz. Chiếc smartphone này có thể thực hiện tất cả các tác vụ bằng Cortex-A15 nhưng điều này sẽ tiêu hao pin nhanh. Vì vậy, cần đến lõi xử lý cấu hình thấp hơn để tăng cường thời lượng pin.

Lõi xử lý thứ hai sử dụng kiến trúc Cortex-A7 với tốc độ 1.2GHz. Lõi xử lý này được thiết kế để thực hiện các tác vụ đơn giản hàng ngày như gửi email, duyệt web, ... giúp tiết kiệm pin cho điện thoại. Khi Cortex-A7 phải hoạt động quá mức, bộ xử lý Exynos 5 sẽ bắt đầu tự động chuyển đổi sang Cortex-A15.

Như vậy, S4 cũng chỉ có tối đã 4 core hoạt động tại mỗi thời điểm, và một vài kiểm thử hiệu năng ban đầu cho thấy vi xử lý của Galaxy S IV cũng không hơn gì so với các vi xử lý lõi tứ trong HTC One và Xperia Z. Tuy nhiên, chúng ta sẽ đợi xem vi xử lý Exynos 5 Octa có giúp Galaxy S IV cải thiện được thời gian pin hay không khi nó được phát hành chính thức tới tay người dùng.

Tham khảo: wired.co.uk