Sau khi các chính trị gia Đức “ruồng bỏ” iPhone để đến với Blackberry Z10, các nhà lập pháp nước Nga cũng cân nhắc việc yêu cầu quan chức nước này chuyển sang sử dụng Yotaphone (Sản phẩm của công ty công nghệ Yota Device (Nga), đây cũng là chiếc smartphone đầu tiên được sản xuất tại Nga) để đảm bảo an ninh thông tin.


Thủ tướng Dmitry Medvedev giao lưu với Steve Jobs tìm hiểu iPhone 4
Ngày 9/12/2013, Nhật báo Izvestia của Nga đã đưa tin, Ủy ban Hội đồng Liên bang Nga đang tiến hành phân tích các nguy cơ ảnh hưởng an ninh chính phủ trong việc để quan chức sử dụng điện thoại thông minh được sản xuất ở nước ngoài.

Theo quan điểm của các nhà lập pháp nước Nga thì việc sử dụng một chiếc điện thoại do nước ngoài lắp ráp sẽ dễ bị tấn công hoặc do thám hơn so với điện thoại do chính Nga sản xuất.

Phó Chủ tịch Duma Quốc gia Liên bang Nga - ông Vadim Dengin – đã phát biểu trên tờ Izvestia rằng: ““Tôi không tin vào các nhà sản xuất điện thoại. Họ sáng tạo ra công nghệ thì cũng có thể cài thiết bị nghe trộm vào được. Tôi sẵn sàng từ bỏ điện thoại nước ngoài để dùng điện thoại được thiết kế riêng cho người Nga.”

Vitaly Milonov - một nhà lập pháp bảo thủ Nga - đã lên tiếng cảnh báo từ hồi tháng 9/2013 rằng chiếc iPhone 5s mới của Apple rất có thể là công cụ đắc lực để Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) thu thập vân tay của mọi người.

Do vậy, Thủ tướng Dmitry Medvedev – vốn là một người nổi tiếng hâm mộ các sản phẩm của Apple – đã bắt đầu chuyển qua sử dụng Yotaphone với “hy vọng sẽ được bảo vệ tốt hơn khỏi các hoạt động gián điệp so với sử dụng iPhone.”

Trên thực tế thì iPhone bị chính “người nhà” hắt hủi. Ngay cả Tổng thống Mỹ đương nhiệm là ông Barack Obama cũng bị yêu cầu không sử dụng iPhone vì lý do an ninh.



Các chuyên gia kinh tế đánh giá đây là một phần nguyên nhân khiến Apple đang phải thương thuyết với Foxconn – công ty lắp ráp iPhone – đầu tư một nhà máy mới tại Mỹ. Điều này một lần nữa cho thấy quyết định “sáng suốt”, đi trước một bước, của Motorola khi đã đầu tư nhà máy sản xuất để cho ra các sản phẩm “Made in USA”, nhằm tạo độ tin tưởng và an toàn trong thời kỳ rối ren về an ninh thông tin toàn cầu. Tuy nhiên, đây chỉ là một giải pháp tình thế, bởi trên thực tế, dù Apple hay Motorola có đặt nhà máy tại Mỹ thì cũng chẳng có gì chắc chắn trong chuyện bảo mật của các thiết bị công nghệ.
Một số chuyên gia công nghệ đánh giá việc quan chức Nga chuyển sang sử dụng điện thoại Yotaphone chưa thực sự đảm bảo bảo mật, do vẫn sử dụng nền tảng Android 4.2 cũ kỹ của Google không được đánh giá cao về bảo mật, vẫn cần có thêm các phần mềm tường lửa lọc thông tin chuyên biệt. Nhưng có vẻ, việc “tung tin” iPhone không “an toàn” cũng phần nào khiến chiến dịch “người Nga dùng hàng Nga” thành công.

Theo songmoi.vn