Chính người Việt cũng đang dần chán mạng xã hội mới nhất của Google?

Kể từ tháng 6/2011 sau khi ra mắt, mạng xã hội Google + đã tạo nên một cơn sốt thực sự với cộng đồng mạng Việt Nam cũng như thế giới. Các forum, website xuất hiện rất nhiều đề tài bàn tán về Google+, về các chức năng mới, gửi thư mời hay một khái niệm khá xa lạ đối với các mạng xã hội: “đặt vòng”… Thế nhưng hiện giờ, ai có thể dự đoán về tương lai cho một Google+ sắp “ chết yểu” ?

Ngay từ khi mới ra đời, Google+ đã khuyến khích người dùng sử dụng tên thật thay cho nickname hoặc bất cứ tên nào mà họ muốn cho trang cá nhân của mình. Điều này khá trái ngược so với các mạng xã hội lớn khác như Facebook, Vkontakte của Nga và Ukraina hay Mixi của Nhật Bản. Gần đây, Google+ đã siết chặt yêu cầu này hơn bằng cách đình chỉ một số tài khoản mà người sử dụng dùng nickname thay cho tên thật của mình, vì cho rằng điều này đã vi phạm chính sách chung. Lý do Google đưa ra là nhằm hạn chế số lượng thư rác và hồ sơ ảo trên mạng xã hội của mình.

Ông Saurabh Sharma, giám đốc sản xuất của Google+ đã giải thích rằng chính sách này nhằm làm cho Google+ trở nên gần gũi với sự kết nối mọi người trong xã hội thực hơn. Ông cũng cho biết, thay vì đình chỉ hoạt động ngay lập tức các tài khoản vi phạm, Google+ sẽ cho người dùng 4 ngày để thay đổi tên trong trang cá nhân nhằm phù hợp với chính sách. “Chúng tôi hy vọng những người dùng của Google+ sẽ nhanh chóng sửa chữa tên hồ sơ của mình và tiếp tục tận hưởng được tất cả những lợi ích mà Google+ mang lại”, ông Saurabh Sharma nói.

Phản hồi lại thông tin trên, rất nhiều người dùng đã cho rằng họ không muốn sử dụng tên thật của mình trên mạng ảo với lý do bảo mật thông tin cá nhân hoặc đơn giản là không muốn phiền phức.

“Khi tìm đến một mạng ảo tức là người ta muốn tách ra khỏi thế giới thực trong một khoảng thời gian ngắn, cho nên tôi không thích chính sách tên thật của Google+” – Anh Tuấn Long (32 tuổi), một tín đồ của mạng xã hội cho biết. “Tôi nghĩ cái duy nhất mà Google+ đang có đó là “lạ và mới”, còn về tính năng, thực sự không có gì đáng nổi bật, đơn cử khi so sánh với Facebook” – Chị Thanh Hằng (27 tuổi) sử dụng Google+ từ những ngày đầu nói.


Người Việt rồi sẽ chán Google+?
Sự sống còn của một mạng xã hội nói riêng hay bất kỳ sản phẩm nào trên thị trường nói chung đó là nhà sản xuất phải hiểu người sử dụng cần gì và muốn gì. Google+ đang cố gắng “thật hóa” thế giới ảo mà chưa nhận ra rằng người dùng Internet không thực sự muốn điều đó. Tuy nhiên, Google+ vẫn duy trì việc sử dụng “thư mời” như một tấm vé thông hành để “không phải ai cũng có thể dễ dàng đăng ký”. Xét về độ “mở” của một mạng xã hội, Google+ đã làm trái ngược hẳn với nhiều “bậc đàn anh” trước đó. Thay vì khuyến khích càng nhiều người dùng đăng ký tài khoản một cách dễ dàng nhất, thì sau 2 tháng hoạt động, người dùng vẫn phải có thư mời mới có thể tham gia vào Google+.

Có thể Google+ muốn tạo một sự riêng biệt và khác lạ cho mạng xã hội của mình bằng cách cho phép người dùng đăng ký với số lượng ít, có chọn lọc và hạn chế thay vì ồ ạt. Tuy nhiên, điều này đã mang đến cho Google+ một không khí khá là lặng lẽ, đìu hiu so với Facebook vốn vẫn ồn ào và náo nhiệt. Điều này có thể dễ dàng thấy khi dạo ngang qua các trang cá nhân của Google+. Và khá nhiều người cho rằng, đó không phải là điều mà họ mong muốn ở 1 mạng xã hội .

Với tâm lý của người Việt Nam, một chút khó khăn, hạn chế trong việc đăng ký sẽ là hiệu ứng tốt để mọi người càng cố gắng có được tài khoản của mình trong thời gian đầu. Nhưng sau đó nếu đi quá đà, điều này sẽ gây ra hậu quả tiêu cực khi người dùng bắt đầu thấy chán nản.

Rõ ràng, để trở nên thân thiện và kéo người dùng đến gần với mình hơn, Google+ cần phải xem xét cân đối lại các quy tắc và yêu cầu của mình với những gì mà họ đem đến cho người sử dụng như các tính năng, tiện ích, ứng dụng hay quy tắc bảo mật an toàn. Khi đó, Google+ mới có thể có chỗ đứng lâu dài, không lặp lại sự thất bại của Google Buzz hay Google Wave hoặc mục tiêu cao hơn là tiến xa so với Facebook trên con đường chinh phục cộng đồng mạng xã hội.

Nguồn: Genk