Thời của laptop 3D đã đến và các nhà sản xuất đang làm gì để tấn công thị trường? Công nghệ nào dẫn đầu cuộc đua hiện nay?
Chỉ trong vài tháng đầu năm 2011, liên tiếp các dòng laptop 3D từ nhiều nhà sản xuất tên tuổi đồng loạt xuất hiện ở Việt Nam. Không chỉ là cuộc chạy đua về doanh số, sự xuất hiện của các sản phẩm cao cấp còn là cuộc đua ngầm nhằm khẳng định thương hiệu của các đại gia laptop.

Đã đến thời của laptop 3D?

Nhận định được LG đưa ra hồi đầu năm kỳ vọng doanh số laptop 3D trên toàn thế giới có thể tăng trưởng gấp 5 lần trong năm tới từ mức hơn 200.000 đơn vị lên 1 triệu sản phẩm. Con số này thậm chí có thể đạt 13,8 triệu đơn vị vào cuối năm 2015.

Không giống như TV 3D, với laptop 3D các nhà sản xuất có nhiều lý do hơn để tin tưởng vào sự phát triển của thị trường này trong tương lai. John Morris – chuyên gia phân tích thị trường của ZDnet cho rằng sự phổ biến của phim định dạng Blu-ray 3D và Game thời gian gần đây là lý do đầu tiên thuyết phục người mua tìm đến dòng sản phẩm này.

Game được đánh giá là nội dung dễ dàng nhất để chuyển đổi sang hiệu ứng 3D lập thể. Tùy theo tựa game mà mức độ chuyển thể đem lại chất lượng khác nhau nhưng John Morris khẳng định có rất nhiều tựa game thể hiện chất lượng rất tốt với hệ thống 3D sử dụng kính 3D Vision của Nvidia.

Bên cạnh đó, Youtube thời gian này cũng đưa vào khai thác các nội dung 3D đầu tiên. Còn tại hội chợ Computex 2011, Nvidia và Microsoft cũng bắt tay trình diễn khả năng streaming video 3D lập thể trên nền tảng Slilverlight, mở ra những hướng đi mới cho công nghệ 3D.

Nhìn ra xa hơn, các nhà sản xuất thiết bị chụp hình cũng đang đóng vai trò kích cầu doanh số của sản phẩm laptop 3D. Fujifilm là hãng đi tiên phong khi cho ra đời chiếc FinePix Real 3D W1 có khả năng chụp hình 3D lập thể. Sony cũng đang thai nghén dự án máy ảnh 3D (và bổ sung chế độ Sweep Panorama 3D cho dòng Alpha NEX -5).

Cuối cùng, mặc dù chưa thực sự thuyết phục nhưng việc các hãng thứ 3 tham gia vào việc phát triển phầm mềm chuyển đổi nội dung số từ 2D sang 3D cũng góp phần phong phú hóa những thứ mà chiếc laptop 3D của bạn có thể khai thác.

Bứt phá bằng công nghệ hay giá thành

Có ba công nghệ phổ biến nhất đang được các nhà sản xuất laptop 3D sử dụng: kết hợp cùng hệ thống kính Nvidia 3D Vision, áp ụng công nghệ chuyển đổi TriDef's 3D và mới nhất là công nghệ 3D không sử dụng kính. Dựa vào 1 trong 3 nền tảng sử dụng này, laptop 3D cũng phân chia thành các tầm giá khác nhau.

Công nghệ TriDef's 3D giúp nhà sản xuất hạ giá thành laptop 3D xuống mức thấp nhất, vừa với tầm với của số đông người dùng nhưng chất lượng hiển thị còn rất nhiều hạn chế. Về cở bản, TriDef's 3D là phần mềm giúp chuyển đổi nội dung từ 2D sang 3D và yêu cầu người dùng sử dụng kính Colorcode để theo dõi được hình ảnh lập thể. Công nghệ này không đòi hỏi màn hình phải có tần số refresh lớn, không yêu cầu cao ở card đồ họa. Thực tế, bạn có thể hiểu khi mua laptop sử dụng công nghệ này tức là bạn mua thêm bản quyền phần mềm của TriDef và cặp kính Corlorcode bên cạnh giá thành gốc của máy.

Acer Aspire 5738DG sử dụng công nghệ chuyển độ TriDef'3D.


Ở Việt Nam, Acer Aspire 5738DG là mẫu laptop sử dụng công nghệ TriDef's 3D đầu tiên có mặt. Với màn hình 15,6inch, CPU Intel Core 2 Duo, RAM 2GB, card đồ họa AMD Radeon HD 4570 521 MB, giá máy chỉ dao động trong khoảng 16-17 triệu đồng.

Cao cấp hơn công nghệ TriDef's 3D, loạt laptop sử dụng nền tảng 3D Vision của Nvidia mang đến trải nghiệm tốt hơn. Bộ “kit” nVidia 3D Vision gồm kính 3D công nghệ màn trập chủ động (active shutter glass), bộ phát tín hiệu đồng bộ không dây kết nối với máy tính bằng cáp USB. Công nghệ 3D Vision của nVidia sử dụng phương pháp hiển thị khung hình tuần tự (Alternate-Frame Sequencing).


Toshiba Qosmio X770 công nghệ Nvidia 3D Vision.
Về cơn bản, phương pháp này đem đến hình ảnh nổi khối và có chiều sâu hơn, tuy nhiên laptop bắt buộc phải sử dụng màn hình có tần số refresh ở mức cao (trên 120Hz), được trang bị card đồ họa cao cấp hỗ trợ công nghệ 3D Vision. Tại Việt Nam, rất nhiều nhà sản xuất đã trình làng laptop sử dụng Nvidia 3D Vision như Sony VAIO F (giá khoảng 47 triệu đồng), Asus G51J (gần 40 triệu đồng), Toshiba Qosmio X770 (khoảng 48 triệu đồng, sẽ bán vào cuối tháng 9 ở Việt Nam).

Tuy nhiên, màn trình diễn ấn tượng nhất phải kể đến công nghệ hiển thị 3D không cần kính mà Toshiba và Asus mang đến Việt Nam trong mùa hè vừa qua. Theo mô tả kỹ thuật từ Toshiba thì phiên bản Toshiba Qosmio F750 3D mà hãng giới thiệu tạo ra hình ảnh 3D thông qua hiện tượng “thị sai”, bằng cách cung cấp các hình ảnh khác nhau cho riêng mắt trái và mắt phải.

Toshiba Qosmio F750 3D không cần kính.


Camera tích hợp trong Qosmio F750 3D theo dõi chuyển động của khuôn mặt người sử dụng và xác định vị trí của đôi mắt. Từ đó, các “thấu kính động” tích hợp trong panel LED của màn hình sẽ tạo ra và kiểm soát quá trình phân cực các tia sáng phát ra từ màn hình.

Sự phối hợp của các chức năng này đảm bảo sự chính xác trong việc hiển thị hình ảnh riêng biệt đến mỗi mắt, kể cả khi người sử dụng thay đổi góc nhìn. Công nghệ này cũng giúp Qosmio F750 3D hiển thị đồng thời hình ảnh 2D và 3D trên các cửa sổ khác nhau. Ra mắt sau không lâu, Asus G53SX cũng được áp dụng công nghệ tương tự trên dòng sản phẩm Toshiba Qosmio F750D.

Hiện tại, theo thông tin chúng tôi có được thì Asus cho biết mẫu máy của mình có thể được bán với giá trên 54 triệu đồng. Còn đại diện Toshiba Việt Nam cũng cho biết hãng đang chạy chương trình đặt mua bộ sản phẩm chơi game gồm: laptop Toshiba Qosmio F750 3D, tai nghe Steelseries Siberia, chuột và bàn di Steelseries World War Craft với giá trọn gói khoảng 54 triệu đồng, ngoài ra còn chương trình khuyến mãi riêng cho người dùng dòng siêu laptop này tại Fanpage của Toshiba Việt Nam

Nguồn: Genk(Tổng hợp)