Trang 1 của 4 123 ... CuốiCuối
Kết quả 1 đến 10 của 39
  1. #1
    Ngày tham gia
    Feb 2015
    Bài viết
    0


    HTC nói 4 megapixel (MP), Nokia nói 41MP và Apple với BlackBerry nói chỉ cần 8MP. Vậy ai mới đúng đây?

    Megapixel là một khái niệm đơn giản nhưng đang trở nên mập mờ và gây tranh cãi. Các nhà sản xuất máy ảnh compact lâu nay hành động như thể chúng ta cần càng nhiều megapixel càng tốt. Giới học giả về nhiếp ảnh nói chung cho rằng không cần nhiều megapixel. Các nhà sản xuất

    smartphone lại hoàn toàn không thống nhất được về vấn đề này.

    Các máy smartphone cao cấp hiện nay có máy chỉ có 4MP như chiếc HTC One, có máy 8MP như BlackBerry 10, iPhone 5/5s và Nexus 4, 13MP như Galaxy S4, 20.7MP như chiếc Sony Xperia Z1 và 41MP như chiếc Nokia Lumia 1020 và Pureview 808. Chắc chắn là không thể hãng nào cũng đúng được?

    Vậy chúng ta thực sự cần bao nhiêu megapixel và số lượng megapixel tăng đến ngưỡng nào thì những hạn chế của nó sẽ nhiều hơn lợi ích? Đó là những câu hỏi đơn giản không có đáp án giản đơn nhưng chúng ta hãy cũng tìm hiểu.

    Trước khi trả lời các câu hỏi trên, chúng ta cần nắm chắc các khái niệm cơ bản. Megapixel là số điểm ảnh (pixel) bên trong bức ảnh, một MP = 1.000.000 điểm ảnh. Nếu bức ảnh có 4.000 x 3.000 điểm ảnh, nhân hai số này ra chúng ta sẽ có 12 triệu điểm ảnh, như vậy đó là bức ảnh 12MP.

    Lưu ý là bức ảnh 24MP sẽ có kích thước (chiều rộng và chiều dài của bức ảnh) không lớn gấp hai lần bức ảnh 12MP. Cụ thể, bức ảnh có 5.656 x 4.242 điểm ảnh (24MP) có lượng điểm ảnh gấp đôi bức ảnh 12MP nhưng kích thước chiều dài và chiều rộng của bức ảnh đó sẽ lớn hơn 41% so với bức ảnh 12MP. Tương tự, nếu bạn giảm kích thước chiều dài và rộng của bức ảnh 12MP xuống kích cỡ 2.000 x 1.500 điểm ảnh thì kích thước của bức ảnh đó sẽ chỉ còn lại 1/4, tức 3MP. Như vậy, sự khác nhau về chất lượng giữa bức ảnh 4MP, 8MP, 13MP và 41MP không lớn như các con số của chúng.

    Bảng đồ họa này cho thấy kích cỡ tương ứng của độ phân giải ảnh trên các smartphone nổi tiếng (vòng ngoài cùng là kích cỡ ảnh 38MB của Lumia 1020 chụp ở tỷ lệ khung hình 4:3)

    Bao nhiêu megapixel là đủ với người dùng smartphone bình thường?

    Bây giờ, hầu hết ảnh chụp được chia sẻ trên các dịch vụ mạng xã hội và được xem trên máy tính, TV, máy tính bảng và điện thoại. Độ phân giải của những màn hình này khác nhau, khoảng 1MP với smartphone thông thường đến 3MP với màn hình Retina trên máy tính bảng iPad. Các TV Full-HD (còn gọi là 1080p) sẽ có độ phân giải 2MP. Nhiều màn hình máy tính và ngày càng nhiều smartphone cũng như máy tính bảng đang sử dụng độ phân giải Full-HD. Các màn hình sắc nét nhất hiện giờ là các TV 4K, tương đương với 8MP hay gấp 4 lần độ phân giải Full-HD. Những loại màn hình này hiện nay rất đắt nhưng chúng sẽ rẻ hơn trong các năm tới.

    Như vậy, có thể thấy số megapixel nhiều nhất chúng ta cần để hiển thị ảnh chụp ở mức đẹp nhất trên các màn hình điện tử hiện nay là 3MP. Nếu bạn muốn những bức ảnh của mình trông vẫn tuyệt vời trong nhiều thập kỷ tới thì hãy chụp ở kích thước 8MP.

    Nếu bạn cần in ảnh, nhu cầu cũng tương tự: 300 điểm ảnh mỗi inch (ppi) là đủ sắc nét đối với mắt người nhìn vào ở khoảng cách thông thường. Như vậy, bức ảnh 5x7 inch (12,7 x 18cm) ở độ phân giải 300 ppi sẽ là 3MP, còn in cỡ A4 ở độ phân giải đó thì nó sẽ tăng lên 9MP. Thậm chí, in tấm lớn khổ A2 ở độ phân giải 300 ppi thì cũng chỉ có 35MP, còn nhỏ hơn cả ảnh chụp 38MP từ máy Lumia 1020.

    Bảng biểu phía dưới đây cho chúng ta thấy bức ảnh 4MP có thể chứa đủ chi tiết để hiển thị cho màn hình iPad hoặc tạo bản in kích cỡ 5 x 7 inch. Nếu có nhu cầu in ảnh ở khổ A4 hoặc hiển thị sắc nét trên TV 4k thì ảnh độ phân giải cao hơn là cần nhưng 8MP là đủ tốt rồi.

    Bảng so sánh độ phân giải: kích thước màn hình (màu đỏ), kích cỡ in ảnh (màu xanh đậm) và độ phân giải

    camera (nền màu xanh nhạt)
    Tuy nhiên, có một điều bạn nên lưu ý là hiện nay có rất ít smartphone sử dụng zoom quang. Zoom số hầu như camera trên smartphone nào bây giờ cũng có nhưng sử dụng zoom số thường cho ra kết quả ảnh tồi. Lý do là vì nếu bạn zoom số hai lần (2x) nghĩa là bạn đang sử dụng có 1/4 diện tích bề mặt của cảm biến máy ảnh. Do đó, máy ảnh 8MP nếu áp dụng zoom số 2x nghĩa là bạn đang thu bức ảnh 2MP. Tuy thế, hầu hết những tấm ảnh này vẫn có dung lượng tương đương ảnh 8MP do chúng được nhà sản xuất áp dụng giải pháp nội suy. Vì vậy, các máy ảnh độ phân giải cao sẽ có ưu thế là bạn có thể cắt ảnh (crop) mà vẫn có độ chi tiết đủ tốt và đẹp hơn là dùng zoom số.

    Lumia 1020 sử dụng diện tích 5MP ở giữa cảm biến 41MP của máy để tạo ra bức ảnh trên với mức độ zoom 2,7 lần. Cùng lúc, máy cũng tạo ra bức ảnh 38MP phía dưới với khung cảnh rộng hơn, cho phép người dùng cắt cúp thoải mái hơn. Khi để chế độ chụp hai ảnh, Lumia 1020 sẽ tạo ra một bức ảnh 5MP và một bức ảnh ở độ phân giải cao nhất là 38MP.

    Khi phóng to 100%, độ chi tiết và sắc nét của bức ảnh 5MP và 38MP không khác biệt đáng kể. Ưu điểm lớn nhất của bức ảnh 38MP là kích cỡ của nó lớn, cho phép bạn cắt cúp thoải mái hơn

    Như vậy, bây giờ chúng ta có thể trả lời câu hỏi bao nhiêu megapixel là đủ trong thực tế. Với nhu cầu chia sẻ trên các mạng xã hội và xem trên các loại màn hình smartphone hay máy tính bảng, 3MP là đủ đẹp, còn 8MP là đủ với nhu in cỡ A4 và xem trên TV 4K. Tuy vậy, để đạt được độ sắc nét nhất có thể, bạn nên tăng các con số này lên một chút. Và nếu bạn muốn cắt ảnh, nhất là trên các camera của smartphone không có zoom quang, sẽ không có giới hạn về số lượng megapixel. Trong trường hợp đó, số megapixel càng nhiều thì bạn càng có cơ hội cắt ảnh ở những khung ảnh chụp rộng hơn.
    Máy ảnh trên smartphone có thể lên được bao nhiêu megapixel?

    Có thể có người muốn smartphone của mình có máy ảnh thật lớn, nhưng muốn không có nghĩa là có thể được. Có lý do tại sao các máy ảnh 1.000MP không tồn tại không phải bởi vì không ai muốn có chúng. Mặc dù hiện tại có khá nhiều bức ảnh độ phân giải tới 1 gigapixel (1 tỷ điểm ảnh) song đó chỉ là những ảnh được ghép lại từ nhiều bức ảnh cùng nhau, chứ không phải là ảnh chụp một lần mà to như vậy.

    Có một số giới hạn kỹ thuật đối với việc tăng số lượng megapixel trong camera nhằm cải thiện chất lượng ảnh. Giới hạn đầu tiên là độ phân giải càng cao thì thời gian xử lý càng lâu và tốn nhiều khoảng trống bộ nhớ để lưu trữ. Các bộ vi xử lý trên smartphone và máy ảnh ngày càng mạnh và thẻ nhớ cũng ngày càng lớn hơn và rẻ hơn nhưng chúng ta vẫn cần sự cân bằng giữa độ phân giải và việc lưu trữ ảnh.

    Giới hạn tiếp theo là độ sắc nét của ống kính. Ở các độ phân giải hiện nay của smartphone, chúng ta đã thấy ống kính phải vất vả duy trì việc lấy nét trên toàn bộ khung hình. Các chi tiết thường có xu hướng nét hơn ở trung tâm của bức ảnh và mờ dần về phía các cạnh. Giới hạn này không hẳn là thảm họa quá lớn bởi vì đối tượng ảnh thường nằm đâu đó ở trung tâm bức ảnh. Tuy nhiên, điều đó cho thấy nếu chúng ta đẩy độ phân giải lên một ngưỡng nào đó thì những giới hạn của ống kính sẽ lộ ra rõ ràng hơn.

    Các hạt bụi lốm đốm do hiện tượng nhiễu cảm biến gây ra
    Tiếp đến là những vấn đề gai góc về độ nhiễu/hạt (noise) của cảm biến. Hiện tượng nhiễu xuất hiện do có sự sai lệch (quang sai) khi đo lường mỗi điểm ảnh và nó thường xuất hiện dưới hình dạng tựa như những hạt bụi lốm đốm trên ảnh. Các máy ảnh số hiện nay đang nỗ lực che dấu nó bằng các thuật toán khử nhiễu, nhưng thật khó cho một máy ảnh khi phải phân biệt giữa những điểm nhiễu không mong muốn và những chi tiết tinh tế của bối cảnh cụ thể. Kết quả tất yếu là quá trình khử nhiễu cũng vô tình loại bỏ một số chi tiết tinh tế của một bức ảnh.

    Trong các khung cảnh tranh tối tranh sáng, máy ảnh phải tăng cường mức độ phơi sáng và sự tăng cường này cũng làm tăng mức độ nhiễu (hạt) lên hình ảnh thu được. Đó là lý do tại sao các bức ảnh thiếu sáng thường trông nhiều sạn (hạt), nhiễu hơn, mờ nhòe và thiếu chi tiết - đó là kết quả và là dấu hiệu của các nỗ lực khử nhiễu đã hoạt động một cách tích cực.

    Điều này đặc biệt đúng với các smartphone và những máy ảnh bỏ túi giá rẻ bởi kích thước vật lý cảm biến của chúng rất nhỏ. Một cảm biến nhỏ kèm theo một ống kính (lens) cũng nhỏ đặt ở trước mặt nó, do vậy nó sẽ thu được ít ánh sáng hơn so với một bộ cảm biến lớn hơn kèm theo ống kính chuyên nghiệp (thường được trang bị trên các máy ảnh cơ truyền thống SLR).

    Bỏ qua những khái niệm phức tạp về vật lý, rõ ràng chúng ta có thể thấy một bộ ống kính của máy ảnh cơ SLR (sử dụng film để chụp và rửa ảnh) thu được nhiều ánh sáng hơn so với ống kính nhỏ xíu được trang bị trên camera của các smartphone. Nếu cả 2 camera có cùng độ phân giải, thì mỗi một điểm ảnh trên cảm biến của smartphone nhận được một lượng ánh sáng để ghi nhận (hình ảnh) nhỏ hơn so với cảm biến trên máy ảnh. Mà việc đo lường hay ghi nhận một cái gì đó nhỏ hơn cũng khó khăn hơn, đặc biệt khi nó rất bé, khi càng bé thì sự đo lường này càng thiếu chính xác - và do đó mức độ nhiễu trên hình ảnh tái tạo cũng cao hơn.

    Nếu bạn tăng gấp đôi lượng megapixel trên cảm biến của một camera thì cũng đồng nghĩa với việc bạn sẽ giảm đi một nửa lượng ánh sáng mà mỗi điểm ảnh nhận được để đo sáng, do đó mức độ nhiễu sẽ tăng lên. Việc tăng độ phân giải nghe có vẻ như sẽ tăng khả năng thu nhận thêm chi tiết cho bức ảnh song có một thực tế trái ngược là quá trình khử nhiễu sẽ phải hoạt động tích cực hơn và điều đó sẽ làm giảm mức độ chi tiết của hình ảnh.

    Tuy nhiên, cũng có thể tăng độ phân giải mà không làm tăng độ nhiễu/hạt nếu như bạn cũng tăng kích thước vật lý của cảm biến. Điều này giải thích cho tại sao các máy ảnh SLR dù có thể cung cấp độ phân giải lên tới 24MP và cao hơn với cảm biến lớn nhưng vẫn có mức độ nhiễu thấp hơn so với các máy ảnh số bỏ túi (compact) sử dụng bộ cảm biến bé xíu.

    Điều này cũng giải thích tại sao Nokia Lumia 1020 có khả năng chụp các bức ảnh có độ phân giải 38MP mà không bị bao phủ bởi các hạt nhiễu như nhiều camera ở các điện thoại giá rẻ khác. Độ phân giải cao của nó phù hợp với một cảm biến có kích thước 1 /1.5 inch – gấp đôi về kích thước đường chéo và gấp 4 lần diện tích bề mặt của các cảm biến 1/3 inch thường được sử dụng trong các smartphone hiện nay. Hiểu một cách nôm na là ghép tới 4 cảm biến 10MP của các smartphone thông thường lại theo hai hàng thì sẽ thành một cảm biến được trang bị trong Nokia Lumia 1020.

    Trong khi đó, HTC One lại có cách tiếp cận ngược lại với cảm biến 4MP của mình. Nó vẫn sử dụng cảm biến có kích thước 1/3 inch thông thường, nhưng lại giảm độ phân giải xuống, nên mỗi một điểm ảnh sẽ nhận được nhiều ánh sáng hơn để ghi nhận và đo lường (hình ảnh), do vậy cấp độ nhiễu của nó thấp hơn đáng kể so với các cảm biến có cùng kích thước nhưng có phân giải cao hơn. Cái gì cũng có giá của nó, tuy hy sinh mật độ điểm ảnh nhưng nó lại được bù đắp mức độ nhiễu xuất hiện trên ảnh ít hơn, do vậy khi thay đổi kích thước đầu ra của một cảm biến 12MP xuống còn 4MP cũng sẽ giúp giảm mức độ nhiễu.

    Đến đây có thể tạm kết lại cuộc tranh luận về mật độ điểm ảnh, bởi nếu không nó sẽ chẳng đi đến đâu nếu cứ tiếp tục các tranh cãi ngoài lề. Chung quy lại, kích thước vật lý của cảm biến và ống kính sẽ đóng vai trò lớn nhất trong việc quyết định mức độ nhiễu xuất hiện trên cùng một hình ảnh ở bản in hoặc trên màn hình.

    Các hình ảnh này được cắt (crop) từ các bức ảnh chụp trong studio của trang Dpreview ở điều kiện thiếu sáng. Đây không phải là một sự so sánh trực tiếp về khả năng thực thi của các cảm biến, bởi các ảnh chụp ở các thiết lập phơi sáng khác nhau và các cảm biến này đặt sau những bộ ống kính khác nhau (mức độ nhiễu của Galaxy S4' chủ yếu là do tốc độ màn trập nhanh hơn 1/30 giây, khiến ISO được đẩy lên một giá trị cao hơn các smartphone còn lại trong thử nghiệm này). Chúng tôi đã thay đổi kích thước để chúng có cùng kích thước với hình ảnh thu được từ camera 4MP của HTC One. Rõ ràng có thể thấy Nokia là người chiến thắng, không có gì để nói nhiều bởi nó có độ phân giải lớn hơn nhưng cảm biến cũng lớn hơn nhiều so với những cảm biến còn lại. Do vậy, nó ít bị nhiễu hơn và giảm thiểu việc các chi tiết trong ảnh bị ảnh hưởng bởi quá trình khử nhiễu như trên các smartphone khác.

    Thay lời kết

    Vậy liệu bạn cần bao nhiêu megapixel là đủ? Đến lúc này chúng ta có thể tạm kết luận ngắn gọn rằng: Với hầu hết các mục đích sử dụng thông thường, chỉ cần 3MP đã là đủ nhiều, nhưng có thể bạn muốn chụp được nhiều chi tiết hơn thì có lẽ tầm 8MP là thoải mái cho bạn thu lượm các chi tiết tinh tế nhất. 8MP đáp ứng tối thiểu cho các bức ảnh in cỡ lớn hoặc để xem trên các TV 4K, và thậm chí các độ phân giải cao hơn cũng cho phép bạn cắt cúp thoải mái mà không ảnh hưởng nhiều tới chất lượng. Tuy vậy, phải đảm bảo rằng các độ phân giải rất cao cũng phải đi đôi với việc tăng kích thước vật lý của cảm biến để đảm bảo chất lượng hình ảnh.

    Dĩ nhiên, chất lượng hình ảnh được xác định bởi thiết kế của cảm biến, chất lượng ống kính, mức độ thông minh của hệ thống đo sáng và phơi sáng tự động... một danh sách dài những yếu tố kết hợp lại với nhau. Sẽ chẳng có gì để nói nếu bạn cứ khăng khăng cho rằng, chất lượng các camera được xếp hạng chỉ dựa theo số megapixel mà nó sở hữu, mà bỏ quên các yếu tố quan trọng còn lại như kích thước cảm biến và chất lượng lens.
    Theo: VnReview

  2. #2
    Guest
    8Mpx, sony C905 )

  3. #3
    Ngày tham gia
    Jan 2015
    Bài viết
    0
    8MP như trên BlackBerry 10 là chuẩn rồi

  4. #4
    Ngày tham gia
    Jan 2015
    Bài viết
    0
    Ngày còn sinh viên còn khoái cái món ảnh ót... Giờ chả cảm hứng gì với cái camera trên điện thoại nữa... Toàn Fone nocam... kakaka

  5. #5
    Ngày tham gia
    Feb 2015
    Bài viết
    2
    8 MP nhưng nếu cho thiết lập bằng tay các thông số như ISO, tốc độ màn trập... thì mình nghĩ ảnh trên di động không dừng lại ở ảnh đẹp mà người chụp còn sáng tạo ra nhiều kiểu ảnh khác không đụng hàng.=))

  6. #6
    Ngày tham gia
    Feb 2015
    Bài viết
    2
    Cái này chỉ có Nokia, Sony nắm công nghệ nguồn...cồn Apple, BlackBerry chỉ sử dụng thôi , đâu có nghiên cứu phần cứng. miễn sao chụp đẹp là được

  7. #7
    Ngày tham gia
    Jan 2015
    Bài viết
    1
    Ai muốn chụp ảnh đưa lên FB hay gì đó thì cần ảnh đẹp. Còn mình ít chụp dù có bao nhiêu MP cũng không quan tâm.

  8. #8
    Ngày tham gia
    Jan 2015
    Bài viết
    1
    Megapixel chỉ là kích thước ảnh thôi, quan trong là chất lượng ảnh. Số điểm ảnh (mpx) càng lớn thì ảnh càng to, thế thôi :v

  9. #9
    Ngày tham gia
    Jan 2015
    Bài viết
    1
    Cầm điện thoại mà chụp ảnh thì cứ hôm nào trời nắng hãy chụp, 2mp mà cứ như 8mp ấy!

  10. #10
    Ngày tham gia
    Feb 2015
    Bài viết
    1
    Bài viết nhiều thông tin bổ ích (y)

Trang 1 của 4 123 ... CuốiCuối

Các Chủ đề tương tự

  1. Các bác cho hỏi OS trước 10.3.2.2474 là số nhiêu vậy?
    Bởi duchieu trong diễn đàn Hệ điều hành BB10
    Trả lời: 0
    Bài viết cuối: 14-03-2016, 10:43 PM
  2. Bộ vi xử lý cho Smartphone: Bao nhiêu nhân là đủ?
    Bởi dungxyz321 trong diễn đàn Tin tức công nghệ khác
    Trả lời: 59
    Bài viết cuối: 13-06-2015, 12:00 AM
  3. PB-16GB Giá bao nhiêu thì mua được
    Bởi canhcutdethuong_chim trong diễn đàn Hướng dẫn - Chia sẻ kinh nghiệm - Hỏi/Đáp (PB)
    Trả lời: 12
    Bài viết cuối: 10-05-2013, 10:37 AM
  4. Cần bao nhiêu bạn trên mạng xã hội để hạnh phúc?
    Bởi trong diễn đàn Tin tức công nghệ khác
    Trả lời: 6
    Bài viết cuối: 12-09-2012, 08:38 PM

Quyền viết bài

  • Bạn Không thể gửi Chủ đề mới
  • Bạn Không thể Gửi trả lời
  • Bạn Không thể Gửi file đính kèm
  • Bạn Không thể Sửa bài viết của mình
  •