Intel vừa hạ bức màn bí mật quanh Knights Landing, con chip thế hệ tiếp theo của dòng Xeon Phi, có thể trang bị tới 72 nhân. Thay đổi đáng kể nhất là Knights Landing sẽ có thể hoạt động độc lập, thay vì là một vi xử lý hỗ trợ phải chạy cùng với một chip Xeon thường khác.

Ngoài ra, Knights Landing cũng sẽ được gắn kèm DRAM 3D với dung lượng lên tới 16GB, mang tới băng thông bộ nhớ đến 500GB/s (cùng với RAM hệ thống trên mainboard với dụng lượng tối đa 384GB). Knights Landing sẽ ra mắt vào năm 2015 trên dây chuyền 14nm của Intel, và với sức mạnh hứa hẹn 3 teraflops (định dạng double-precision floating-point) cho mỗi chip, chắc chắn nó sẽ được dùng cho các siêu máy tính x86 quy mô 100 petaflops trở lên và thậm chí các siêu máy tính siêu cấp tầm cỡ exaflops (1 exaflop = 1000 petaflops = 1018 (một tỷ tỷ) phép tính floating point mỗi giây!). Và nếu bạn chưa biết, các nhà khoa học cho rằng sức mạnh cỡ exaflops (exascale) là tương đương với sức mạnh xử lý của bộ não con người.
Phiên bản hiện tại của Xeon Phi, Knights Corner có dạng một bo mở rộng khe PCIe, với một con chip Intel MIC (Many Integrated Core – Nhân Tích hợp Số nhiều) có tối đa 61 nhân. Các nhân này được chế tạo dựa trên kiến trúc Pentium P54C – giống như người tiền nhiệm Larrabee, hiện vẫn còn được sản xuất – với khá nhiều các cải tiến mới như hỗ trợ 64-bit với không gian vector 512-bit. Knights Landing là một cải tiến hoàn toàn so với Knights Corner, với những thay đổi toàn diện. Các nhân P54C ra đi, thay vào đó là các nhân Silvermont (Atom). Các nhân mới sẽ hỗ trợ tập lệnh AVX-512 (AVX 3.1). Và quan trọng hơn cả, Knights Landing sẽ là những CPU độc lập, với 6 kênh DDR4-2400 tích hợp, tối đa 16GB dung lượng RAM 3D kèm theo, và 36 làn PCIe 3.0 (hãy tưởng tượng các hệ thống quadro SLI hoặc Crossfire).

Và tất cả các cải tiến đó cho một kết quả lý thuyết tương đương với 6 teraflops với định dạng single-precision floating-point, hoặc 3 teraflops cho double-precision. Để so sánh, Haswell cho tối đa khoảng 500 gigaflops (1/2 teraflop). Về năng suất, Knights Landing cho khoảng 14-16 gigaflops mỗi Watt công suất. Và 16GB bộ nhớ tích hợp với băng thông 500GB/s sẽ cho cải thiện tuyệt vời về độ trễ. Và sau đó cũng năm 2015, sẽ có thêm một phiên bản đặc biết tên gọi Knights Landing-F được trang bị cầu nối Cray HPC tốc độ 100Gbps trên 32 làn PCIe, cho phép các kỹ sư siêu máy tính kết hợp nhiều chip Knights Landing thông qua kết nối quang học chuẩn QSFP.

Xeon Phi là dòng chip đối đầu trực tiếp với Tesla, các board vi xử lý hỗ trợ dựa trên GPU của Nvidia. Hiện tại, Tesla đang thống trị thị trường các vi xử lý hỗ trợ dùng cầu nối HPC, với 38 trên 500 siêu máy tính mạnh nhất. Xeon Phi là linh kiện chủ yếu tạo nên siêu máy tính mạnh nhất thế giới (Tianhe-2) nhưng tổng cộng chỉ có mặt trong 13 trên 500 siêu máy tính. Và nhờ việc trở thành một CPU độc lập, không cần sự điều khiển của một CPU thường (Haswell, Opteron…), người ta có thể xây dựng các siêu máy tính hoàn toàn bằng Xeon Phi – một tiến bộ lớn làm giảm giá thành và độ phức tạp của hệ thống. Và nhờ cấu trúc đồng nhất đó, phát triển phần mềm cho hệ thống sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.

Với 3 teraflops mỗi chip, và cho là có 4 khe cắm cho mỗi module máy chủ 1U, điều này tương đương với sức mạnh 500 teraflops (1/2 petaflop) chỉ trên một hệ thống 42U. Và nếu như kỷ lục 100 petaflops chưa bị phá trước năm 2015, thì chắc chắn sẽ là một siêu máy tính dùng Knights Landing xác lập kỷ lục mới, cũng như mở đầu cuộc đua để đạt ngưỡng exascale.
Theo Ocer.vn