Với tốc độ tăng trưởng 156%, Việt Nam trở thành quốc gia có lượng điện thoại thông minh tiêu thụ tăng nhanh nhất Đông Nam Á trong 9 tháng đầu năm 2013. Thêm nữa, với 70% người dân chưa dùng điện thoại thông minh, thị trường smartphone Việt đang đứng trước cơ hội phát triển lớn, trở thành đích ngắm của các nhà sản xuất smartphone hàng đầu thế giới.

Theo số liệu vừa được Hãng Nghiên cứu thị trường GfK công bố, trong 9 tháng đầu năm 2013, người dùng tại Việt Nam, Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Singapore, Philippines và Campuchia đã chi ra 10,8 tỷ USD để sắm 41,5 triệu điện thoại thông minh, tăng hơn 61% về giá trị so với cùng kỳ năm 2012. Với mức tăng 156%, thị trường smartphone Việt có tốc độ tăng trưởng cao nhất về lượng điện thoại thông minh được tiêu thụ và chỉ kém Thái Lan 1% về tổng giá trị sản phẩm bán ra (113% so với 114%). Tuy nhiên, nếu đặt con số tuyệt đối lên bàn cân, thì Indonesia mới là nước dẫn đầu với 14,8 triệu smartphone được bán ra, đạt tổng giá trị vào khoảng 3,33 tỷ USD. Tiếp theo là Thái Lan và Malaysia.

Ông Gerard Tan - Giám đốc bộ phận Khách hàng và Công nghệ số của GfK Asia - cho rằng: Giá smartphone ngày càng giảm đã tạo cơ hội cho người dân ở các thị trường đang phát triển, trong đó có Việt Nam chuyển từ sử dụng điện thoại phổ thông sang smartphone. Trong đó, sự đa dạng về mẫu mã và giá bán của smartphone Android rải đều ở các phân khúc từ bình dân đến cao cấp đã mang đến người dùng Đông Nam Á nói chung, Việt Nam nói riêng, cơ hội sở hữu smartphone phù hợp với khả năng tài chính của họ. Trong khi đó, giá bán iPhone vẫn bị coi là cao hơn mặt bằng thu nhập chung của người dân tại khu vực này.

Với khả năng chi trung bình 4 triệu đồng để mua smartphone, hiện nay, người dùng Việt chủ yếu sử dụng smartphone tầm trung để cập nhật tin tức và mạng xã hội. Trong đó, các smartphone Android, nhất là các sản phẩm của Samsung và Sony, đang chiếm ưu thế. Theo thống kê của Công ty Phát triển trình duyệt web Opera, hiện nay, Samsung (chiếm khoảng 27% thị phần) và Sony (khoảng 16%) là hai thương hiệu được yêu thích nhất tại Việt Nam. Trong đó, 7/10 mẫu máy của Samsung góp mặt trong danh sách những smartphone được ưa chuộng nhất. Bản báo cáo cũng nhận định những chiếc điện thoại với màn hình trên 4inch cũng thu hút được sự quan tâm đặc biệt, chiếm đến 27% lượng tiêu thụ tại thị trường châu Á.

Trước triển vọng của thị trường smartphone Đông Nam Á, ông Gerard Tan nhận định: xu hướng chuyển sang dùng smartphone sẽ còn tiếp tục. Qua đó, lượng smartphone tiêu thụ tại khu vực này sẽ tăng trưởng theo cấp số nhân.

Với khoảng 70% người dùng điện thoại chưa chuyển sang smartphone, Việt Nam sẽ trở thành thị trường đầy tiềm năng cho các nhà sản xuất smartphone. Trước đó, theo thống kê được đưa ra trong quý II/2013, quy mô thị trường smartphone đã tăng hơn gấp đôi khi chiếm 32,7% thị phần so với 14,7% của quý II/2012. Đó có thể là lý do mà Nokia đã xác định Việt Nam là một trong 8 thị trường trọng điểm của hãng trong thời gian tới sau khi gặt hái được những thành công bước đầu với dòng smartphone Lumia. Samsung cũng liên tục khởi công xây dựng và đưa vào hoạt động các nhà máy sản xuất điện thoại di động và linh kiện cho điện thoại di động tại Thái Nguyên và Bắc Ninh trong thời gian qua. Có thể thấy, những diễn tiến nổi bật nhất trên thị trường công nghệ Việt Nam vẫn là các doanh nghiệp ngoại, trong khi doanh nghiệp nội vẫn đang quẩn quanh các phương án an toàn.

Đã qua rồi cái thời mà sự thay đổi chỉ nhích từng bước, sản phẩm và dịch vụ đa dạng, các kênh thông tin và phân phối gần như chỉ bó hẹp trong một thị trường khiêm tốn, marketing khi ấy có thể đơn giản bỏ lửng khách hàng và biến đổi những yếu tố sản xuất, kinh doanh khác để thu về lợi nhuận. Ngày nay, người tiêu dùng đang sống trong kỷ nguyên của sự lựa chọn. Quyền “không mua hàng” và quyền “lựa chọn” trở thành thứ sức mạnh tinh vi nhất, buộc bất kỳ một doanh nghiệp nào muốn thành công cũng phải đạt đủ cả “tâm” cả “tầm” để “trói buộc” sự trung thành của khách hàng. Việc smartphone dần trở nên quen thuộc và gần gũi với người dùng đang mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp muốn sản xuất smartphone “Made in Vietnam”. Tuy nhiên, nếu các doanh nghiệp trong nước không biết tận dụng cơ hội này để đưa ra thị trường những sản phẩm thực sự có chất lượng cùng giá bán hợp lý thông qua các chiến dịch marketing bài bản với phần đông người dùng, mà vẫn tiếp tục cho ra đời những sản phẩm vỏ mác Việt linh kiện Trung Quốc, thì rốt cuộc kẻ thống trị miếng bánh Việt Nam hấp dẫn cũng chỉ toàn những cái tên ngoại mà thôi.

Theo songmoi.vn