Đó là thầy giáo dạy nhạc Nguyễn Tư (45 tuổi, ở khu phố 2, thị trấn Hòa Vinh, huyện Đông Hòa). Bị tật hai chân, phải ngồi xe lăn từ nhỏ nhưng năng khiếu, niềm đam mê và nghị lực đã làm nên kỳ tích: biến một chàng trai khuyết tật trở thành nhạc công giỏi, biến một người chưa hề đến trường trở thành thầy của nhiều bạn trẻ yêu âm nhạc.

Nhạc công - thầy dạy nhạc Nguyễn Tư. - Ảnh: Y. NGUYÊN
SỐ PHẬN THỬ THÁCH
Sinh ra với đôi chân tàn tật, cậu bé Nguyễn Tư buộc phải học cách xử lý mọi việc bằng tay. Đi xa thì ngồi xe lăn, còn đi gần hoặc gặp địa hình phức tạp không thể lăn xe thì cứ nhờ… tay mà di chuyển. “Ba má tôi lo lắm, bèn dành cho tôi một phần đất ruộng (thời đất đai còn quyền tư hữu) với ý định: sau này, ai thừa kế số đất ấy sẽ có trách nhiệm nuôi tôi” - anh Tư kể.
Không thể trông cậy vào đôi chân nhưng trời lại phú cho Nguyễn Tư một “đôi tay vàng”. Đôi tay vừa khỏe mạnh vừa linh hoạt, giúp anh xử lý nhanh nhẹn, gọn gàng mọi việc - từ việc nhà cửa, bếp núc đến các hoạt động khác. Vậy nhưng, mãi đến sau này, khi lướt trên phím đàn guitar hoặc organ, đôi tay ấy mới thực sự lộ nguyên cái chất “vàng mười”. Mê âm nhạc từ nhỏ, cái thời mà nhạc nhùng là chuyện xa xỉ ở quê khi kinh tế khó khăn, những dịp hiếm hoi được gặp các nhạc công chơi đàn (thường là guitar), cậu bé Nguyễn Tư lại như bị hút hồn, chôn chân, mắt nhìn chằm chằm vào các ngón tay lướt trên phím, tai nghe như nuốt lấy từng thanh âm…
Năm 14 tuổi, được cầm cây đàn guitar, Nguyễn Tư “khởi nghiệp” bằng việc theo học một nhạc công chơi guitar classic. Được một năm, anh chuyển sang học guitar acoustic với một thầy giáo - nhạc công khác, chuyên chơi nhạc cho các phòng trà. Nhận ra năng khiếu ít có của cậu học trò nên thầy thương, chỉ bảo khá tận tình. Nhưng rồi cũng chỉ được thêm năm nữa. Những khó khăn về tiền bạc cũng như việc đi lại khá bất tiện của một người khuyết tật khiến Tư không thể theo thầy lâu hơn.
Nguyễn Tư mày mò tự tập luyện, nâng cao “tay nghề” bằng cách nghe băng đĩa và tham gia các show diễn quần chúng bất cứ khi nào có thể. Để đọc được các tài liệu âm nhạc, Tư phải học đọc, học viết. Không ai biết bằng cách nào mà Nguyễn Tư đã xoay xở đọc được, viết được dù chưa có một ngày đến trường! Rồi cây đàn organ xuất hiện. Nhận ra sức hút của loại nhạc cụ này, năm 1997, thay vì nghe lời cha mẹ, bạn bè đi kiếm cái nghề học để nuôi thân, Nguyễn Tư đã “liều mình” bán sạch 3 chỉ vàng (là tất cả vốn liếng cha mẹ cho) để… mua cây đàn organ Yamaha 330 về tự học!
Liều mà hóa được, anh Nguyễn Tư có năng khiếu thiên bẩm cộng với những kỹ năng và kiến thức âm nhạc nền tảng được đào luyện sẵn cho một nhạc công guitar. Nhưng quan trọng hơn hết là niềm đam mê và ý chí vượt khó đã giúp Nguyễn Tư dần dần làm chủ được nhạc cụ mới, trở thành một nhạc công organ thực thụ. Tiếng lành đồn xa, anh bắt đầu được mời chơi nhạc cho các phòng trà ở Tuy Hòa, được mời chơi đàn trong các hội diễn nghệ thuật quần chúng, các chương trình nhạc sống tại khu du lịch hoặc nhà riêng vào dịp lễ tết, cưới hỏi… Có thu nhập ổn định, cuộc sống không còn phải phụ thuộc người khác với Nguyễn Tư quả là hạnh phúc quá lớn. “Đôi tay vàng” đã giúp anh thực sự đổi đời.
ÔNG THẦY KỲ LẠ
Mười mấy năm lăn lộn với nghề, anh Nguyễn Tư ngày càng có nhiều học trò. Từ vài học trò mến mộ tài năng xin theo học ban đầu, đến giờ, lớp học nhạc của thầy Nguyễn Tư đã hoạt động ổn định, thường xuyên với số lượng học trò không lúc nào dưới 20. Lớp này ra thì lớp khác vào, và công việc chính của Nguyễn Tư bây giờ là dạy nhạc, chứ không phải là một nhạc công chơi đàn thuê (mặc dù giờ anh đã có một quán cà phê mini tại nhà, tổ chức chương trình “Hát cho nhau nghe”). Không chỉ tại Đông Hòa mà người ở địa phương khác cũng tìm đến thầy Tư học nhạc. Thậm chí, anh còn dạy nhạc cho… Việt kiều (dạy online, sử dụng chức năng video chat trong chương trình Yahoo Messenger)! Học viên có cả người lớn tuổi nhưng đa phần là trẻ: từ sinh viên, học sinh đến những thanh niên, thậm chí, nhiều em còn lêu lổng, bất trị… Họ chủ yếu học cách chơi đàn organ hoặc guitar, nhưng thầy Tư cũng nhận dạy thanh nhạc cho bất cứ ai có nhu cầu.
Đến thăm lớp nhạc, nhìn cảnh thầy Tư hướng dẫn, giảng giải chuyên môn cho các học trò là học sinh chuẩn bị thi môn năng khiếu vào các trường nhạc - hoặc thoăn thoắt gõ, chỉnh sửa, in ấn các tài liệu trên máy tính, thật không ai dám nghĩ rằng: ông thầy ấy chưa từng có một ngày đến trường, đến lớp!
“HỌC NHẠC ĐƯỢC THÌ KHÔNG… SINH BỢM”
Dạy nhạc để mưu sinh đã đành, nhưng với thầy Tư, vấn đề không chỉ là tiền bạc. Học trò nào học tập hiệu quả, thành nghề, thầy Tư đều mừng. Nhưng theo thầy, mừng nhất là sự thành nghề của những em cá biệt, bị gia đình và xã hội xem như “có vấn đề”. Các em học được nghề, ngoài chuyện có phương tiện mưu sinh, theo thầy Nguyễn Tư, âm nhạc còn có khả năng tốt trong việc giáo dục, bồi dưỡng nhân cách con người. Thầy nói: “Tôi tin âm nhạc đích thực có khả năng “làm hiền” con người. Bằng chứng, nhiều học trò cá biệt theo tôi học nhạc một thời gian đều hiền đi. Nếu học thành nghề thì hầu như các em đều không… sinh bợm”.
Nhận xét về học trò cũ của mình, thầy Ngô Văn Thanh, giáo viên Trường THPT Nguyễn Huệ (TP Tuy Hòa) - người từng dạy guitar acoustic cho anh Nguyễn Tư ngày trước - nói: “Tư có năng khiếu âm nhạc rất tốt. Cái đáng trân trọng ở em là niềm đam mê và nghị lực vượt lên số phận để thành công. Tôi mừng và tự hào về em...”. Còn anh Lê Công Vinh, hiện là giáo viên dạy nhạc (quê ở huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa) - một trong những học trò ở “lò luyện nhạc” của thầy Nguyễn Tư - chia sẻ: “Chưa nói đến kỹ năng chuyên môn, ngay nỗ lực, niềm đam mê và thái độ nghiêm túc đối với nghệ thuật của thầy Tư cũng đã cho em một bài học lớn, buộc em phải cố gắng hết mình”.

Nguồn:
https://vietthuong.edu.vn/khoa-hoc-d...ai-tp-hcm.html
https://vietthuong.edu.vn/phuong-pha...ng-co-ban.html

View more random threads: